Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Palei Ram dalak

Đây là một bài viết của các bạn Ty Sang, Ánh, Dưỡng quê Văn Lâm thuộc nhóm nghiên cứu trẻ  Chamstudies. Xin post để giới thiệu và chia sẻ cùng mọi người.
Cảm ơn các bạn và chúc các bạn sẽ có thêm nhiều bài viết hơn.

PALEI RAM XƯA VÀ NAY


  1. I. Vài nét khái quát về plei Ram
Plei Ram, tiếng Chăm ghi là: r. = gò. Nghĩa của plei Ram là vùng đất gò (tambôk). Người Kinh gọi là làng Plei Ram, thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Làng Chăm Plei Ram được hình thành từ sau thời vua Thiệu Trị – nhà Nguyễn. Lần theo di chỉ, nhất là những khu mộ táng cách đây hàng trăm năm, chúng ta thấy rằng làng Plei Ram đã thổ táng người quá cố ở 2 nơi cách xa nhau hàng chục cây số với tục danh là Ghur Dil thuộc Sơn Hải, xã Phước Dinh và Cà Ná thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Có lẽ người Chăm Plei Ram quy ấp lập làng như hiện nay vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bởi hiện nay, một số dòng tộc của người Plei Ram xưa vẫn còn ngụ cư ở nơi làng khác cách đó từ 8-10km, như làng Hữu Đức, Vụ Bổn… thuộc huyện Ninh Phước ngày nay. Vào nửa đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, người Chăm Plei Ram tụ cư trên một vùng gò đất tương đối cao, gần đập Kiak hiện nay. Với sự kiện thực dân Pháp thành lập đường sắt Phan Rang – Sài Gòn, đặc biệt với sự có mặt của một số người Việt buôn bán, một vài hộ người Chăm đã di dời về phía đông – cũng trên vùng đất gò cạnh một cái bàu rộng khoảng 2 ha, nên mới có tục danh là Xóm Bàu.
Qua một thời kỳ không dài, khoảng 100 năm, Plei Ram đã hình thành 2 vùng tụ cư cách xa nhau bởi cánh đồng lúa nước không rộng, có đường Quốc lộ 1A chạy qua. Hiện nay người Chăm Plei Ram gọi nhau với tục danh: người Plei Ram xóm ngoài – Tambôk Gah, người Plei Ram xóm giữa – Tambôk Krưh, và người Plei Ram xóm trên – Răm Ngaok. Người Chăm Plei Ram tuy phân biệt xóm trên, xóm dưới, xóm giữa nhưng họ thương yêu đùm bọc lẫn nhau qua những thăng trầm của dân tộc.
Trên vùng đất tụ cư làng Plei Ram hiện nay, xung quanh có rất nhiều phế tích đền đài, lăng tẩm của vương quốc Chăm xưa với YANG DRAI nổi tiếng bị đạo quân Java đốt phá vào thế kỷ VIII. Năm 1997, người dân ở đây đã tìm thấy những bức tượng Visnu còn nguyên vẹn và nhiều đồ dùng, gốm sứ khác, những gò đất rộng hơn hecta rải rác là những gò gạch Chăm thường dùng để xây dựng đền tháp. Ngày nay, làng Chăm Plei Ram là một trong 3 làng Chăm lớn có số dân trên dưới 10.000 người.

  1. II. Nội dung chính
  1. Vị trí địa lý và dân cư
Plei Ram – xã Phước Nam, nằm ở phía Nam tỉnh Ninh Thuận cách thành phố Phan Rang khoảng 10km. Trước năm 2010, plei Ram thuộc huyện Ninh Phước. Nay do sự phát triển kinh tế và để quản lí dân số một cách dễ dàng hơn, UBND tỉnh địa phương đã tách các thôn, làng của xã Phước Nam thuộc vào huyện Thuận Nam. Trong lãnh thổ của làng có tuyến đường sắt xuyên Việt và đường Quốc lộ 1A đi qua. Phía Bắc giáp với làng Chung Mĩ (plei Bar Caon, thuộc thị trấn Phước Dân – huyện Ninh Phước); phía Nam giáp với làng Vụ Bổn (plei Laow), phía Đông giáp làng Phước Lập (plei Li U) đều thuộc xã Phước Nam – huyện Thuận Nam, ba làng Chăm trên đều theo tôn giáo Bàlamôn; phía Tây giáp với xã Nhỉ Hà – huyện Ninh Phước.
Làng Plei Ram là khu vực phân bố của người Chăm theo đạo Hồi giáo. Tổng số cư dân sau năm 2007 là 8.319 người. Trong đó:
+ Tín đồ Hồi giáo cũ (đạo Bà ni)  có khoảng 6.917 tín đồ
+ Hồi giáo mới (Islam) có khoảng 1.402 tín đồ.
Họ chủ yếu sống định cư theo tín đồ của mình để thuận tiện cho việc sinh hoạt văn hóa. Bên cạnh đó, vẫn có sự xen lẫn giữa người Islam và người Bà ni, nhưng không phổ biến. Ngoài ra, còn có một bộ phận khác bao gồm dân cư học hành đỗ đạt và nhóm người do nhu cầu kinh tế phải thoát ly làng đi học, làm ăn xa. Tuy nhiên, tâm thức của họ vẫn thuộc về làng nơi tổ tiên họ được sinh ra. Khi làng có sinh hoạt tôn giáo, có lễ hội họ thường về tham dự.
Làng Plei Ram là một địa bàn cộng đồng Chăm Awal thu nhỏ, tính liên kết cộng đồng thể hiện qua tín ngưỡng – tôn giáo. Do vậy, việc sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo chính là đặc trưng cơ bản của người Chăm nơi đây.

2. Đặc điểm làng xã (từ 1954 đến nay)
Trước năm 1954, khu vực phân bố của thôn Plei Ram nằm ở phía Tây đường quốc lộ 1A, (thôn Plei Ram 4 theo cách gọi ngày nay). Nhưng do chiến tranh đã làm cho người Chăm plei Ram phải dời chỗ ở cũ của mình chuyển về phía Đông để sinh sống lập nghiệp. Trong thời kì này làng Chăm Plei Ram chỉ rải rác một vài gia đình. Xung quanh làng là ruộng nước và rừng cây xương rồng rậm rạp. Xung quanh nhà của mỗi gia đình được che phủ bởi hàng rào (lấy từ cây rừng, có gia đình dùng cây xương rồng để làm hàng rào). Ở giữa làng có sông Kawei chạy qua. Trong thời kì này người Chăm trong plei đã có thánh đường sinh hoạt tôn giáo riêng.
Năm 1995,  người trong plei Ram quen gọi tên theo từng khu vực: Tambôk Krưh (khu vực này tập trung đông  tín đồ Bà ni), Tambôk Gah (khu có nhiều  tín đồ Islam sinh sống) và Ram Ngaok, còn gọi là Ram Ga,Kinh Tế, vùng cư trú mới của bà con. Ngoài ra, còn có một bộ phận người Kinh di cư vào làng (trước năm 1991) và một gia đình người Hoa, bộ phận dân cư này sinh sống bên cạnh plei Răm Ngaok.
Để đảm bảo cho việc quản lí thôn làng, năm 2008 plei Ram phân ra thành bốn thôn:  thôn Plei Ram 1, thôn Plei Ram 2, thôn Plei Ram 3, thôn Plei Ram 4.
Hiện nay, palei Ram có khoảng 400-500 hộ nhân khẩu, tập hợp bởi nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Các khuôn viên nhà được bố trí theo hướng Bắc –Nam. Xung quanh làng là ruộng đồng. Ở giữa làng có sân vận động thể thao, và một hệ thống bao gồm: trường Mẫu giáo Plei Ram, trường tiểu học Plei Ram, trường THCS, trạm y tế công cộng.
Đầu làng có nhà làng (Sang Palei) là nơi tổ chức việc của làng. Nhà làng cũng là nơi để tổ chức những nghi lễ cộng đồng như Rija Nưgar kok thun (lễ hội múa tống ôn đầu năm), diễn ra vào tháng 1 theo lịch Chăm. Đơn vị quản lí hành chính của thôn có Trưởng thôn, Công an thôn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân và Hội đồng phong tục (Hội đồng già làng) chăm lo việc cúng tế lễ nghi, tín ngưỡng và cùng chính quyền tham gia giải quyết những vụ bất đồng của các thành viên trong làng liên quan đến phong tục tập quán.
Ngoài ra, trong palei có ba Thánh Đường: hai Thánh Đường của người Chăm Islam bố trí ở hai địa bàn khác nhau: một đặt ở thôn Plei Ram 1, một đặt tại thôn Plei Ram 4 mới khánh thành cuối năm 2009; và một Thánh Đường của người Chăm Awal. Cả ba Thánh Đường được bố trí gần với tín đồ của mình để thuận tiện trong việc sinh hoạt tôn giáo. Cách palei không xa về phía Đông khoảng 3-4km có 2 khu nghĩa địa nằm gần nhau là: ghur Aia Langhur Aia Lian. Và 2 khu nghĩa địa khác ở cách xa làng khoảng 20km về phía Nam là ghur Ná (thuộc xã Phước Dinh) và gần 15km về phía Đông là ghur Dil (thuộc xã Phước Diêm).
Thành phần gia đình của người Chăm Awal cũng như gia đình của người Chăm Ahier, được tổ chức theo hình thái gia đình mẫu hệ, bao gồm gia đình lớn (mưngawôm pruang) và gia đình nhỏ (mưngawôm sit). Các thành viên đều tính theo huyết thống bên mẹ. Trong mỗi gia đình có một người đàn bà lớn tuổi đứng đầu gọi là “Po sang” (chủ nhà). Những gia đình do một người mẹ sinh ra thường bố trí chung nhà cửa cùng dãy với nhau trong một khuôn viên. Mỗi dòng họ thường có một trưởng tộc đứng đầu “Akauk gơp”. Nhiệm vụ của trưởng tộc là quản lí các thành viên và chăm lo tổ chức việc cúng tế lễ nghi trong tộc họ. Mỗi dòng họ trong làng được phân biệt với nhau bằng nghĩa địa của dòng họ mẹ (ghur). Mỗi dòng họ đều có một vật thờ cúng tổ tiên gọi là “Ciet Atau” (đây là một loại giỏ đan bằng tre có hình trụ dài và rộng, dùng để đựng y trang đồ cúng lễ của tổ tiên tộc họ). “Ciet atau” chỉ được đem ra khi tộc họ có dịp cúng lễ.
Vì theo chế độ mẫu hệ, nên những mối quan hệ bên mẹ là quan hệ thân thuộc quan trọng nhất. Tổ tiên được thờ phụng là tổ tiên bên mẹ. Quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái út.
.
3. Đặc điểm kinh tế- văn hóa
3.1 Từ khoảng năm 1975
Về sản xuất chính
Trước năm 1975, nghề chính của đồng bào Chăm Plei Ram là nghề trồng lúa nước, họ trồng lúa chiêm (người Chăm gọi là Padai Lhim, Padai BiYieng), thời gian thu hoạch 6 tháng, một năm chỉ có một vụ; ngoài ra họ hái lượm, khai thác rừng để đổi lúa gạo, lương thực.
Vào năm 1990, đã có một số gia đình làm nghề trồng nho, thời kì nghề trồng nho phát triển nhiều nhất là từ năm 1998 đến 2007.
Cuộc sống của đồng bào Chăm ở thôn Plei Ram trong  thời kì này rất thiếu thốn. Vào mùa khô hạn ở khu vực này thiếu nước nghiêm trọng, thậm chí không có nước uống, mặc dù riêng trong plei Bôk Gah, Bôk Krưh có hai cái giếng nước lâu đời phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của người dân, nhưng mỗi khi vào mùa khô hạn thì hai giếng này không đáp ứng đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt, vì vậy buộc họ phải lên tận plei Ram Ngaok để lấy nước.
Bên cạnh đó, cũng  có một số hộ gia đình khá giả, họ có thể làm ruộng tính bằng mấy mẫu hecta, và chăn nuôi gia súc, phần lớn là nuôi trâu.
Phương tiện vận chuyển, đi lại của họ lúc bấy giờ chủ yếu là xe trâu, xe được làm bằng gỗ có chiều dài khoảng 2,5-3m, dùng để chuyên chợ lúa, ngô. Trong nghề trồng trọt họ sử dụng sức kéo của con trâu, bò để cày bừa. Xe đạp cũng là phương tiện đi lại chính của đồng bào, dùng để chuyên chở những vật dụng nhỏ. Từ khoảng năm 1980, trong thôn đã có một số hộ gia đình nuôi bò. Trước 1996, ở plei Ram bắt đầu nuôi dê, cừu.


(nơi tập trung của cả hai tín đồ Islam và Bà ni). Ngày nay, do dân số tăng lên, plei Ram còn có thêm một plei mới là Plei



Một góc Văn Lâm – mùa khô hạn

Nghề Truyền Thống
Thời kì này, hầu hết những người phụ nữ làng Plei Ram, ai cũng biết dệt thổ cẩm, dệt áo mặc. Lúc này người Chăm đồng bào trong làng đã biết trồng bông, để có một chiếc áo để mặc, phải mất đến mấy ngày. Bởi vì trong quá trình dệt cần phải trải qua các giai đoạn: hái bông về, ngắt bong, lọc bỏ chất cặn bã, xong rồi dùng tay xoay cho bông thành sợi to dài, từ đó mới dệt được. Tất cả đều làm bằng tay. Chiếc khăn mà người phụ nữ Chăm hay đội không phải là chiếc khăn có hoa văn, kiểu đẹp như bây giờ (tayak), mà tưởng tượng giống như khăn mỏ quạ của người Kinh bây giờ, vật dụng dùng để dệt tayak chủ yếu bằng len, còn tayak chắc hơn sẽ dệt từ cây bông. Để đánh giá người con trai, hay con gái thường thông qua tiêu chí việc làm của họ. Nếu là người đàn ông sắp lấy vợ ít nhất anh ta phải biết cầy cấy, gọt đũa, còn với người  đàn bà thì phải biết dệt. Từ sau 1975, nghề dệt truyền thống không còn được nhiều người làm nữa, và người ta đã bắt đầu chuyển sang làm nghề buôn bán nhỏ.


Nghề dệt vẫn còn lưu giữ trong một số gia đình Cham nơi đây


Về nhà ở
Nhà ở trong thời kì này chủ yếu là những ngôi đất lợp ngói tranh, trong nhà có một cái kho (Wưn) dùng để đựng lúa, gạo, bắp (hàng tấn, tạ)… và một cái nhà có hình dạng như nhà sàn (Sang tôn - dùng để sinh hoạt vào mùa nắng nóng). Nhà nào cũng có một Ciet Atau của tổ tiên dòng họ. Đồ dùng chính trong gia đình chủ yếu là những vật liệu chế biến từ rừng, còn mang tính thô sơ.
Cửa ra vào cửa người Chăm hướng theo Phía Tây hoặc phía Đông, cửa làm bằng gỗ hoặc đan bằng tre. Với gia đình khá giả họ làm nhà bằng gạch hay bê tông có một lớp sơn lên, cửa ra vào làm bằng gỗ có trạm khắc rất công phu.

Ăn uống
Việc ăn uống của đồng bào chủ yếu là cơm, cá biển, cá sông, rau rừng, và một số loại thức ăn khác như bo bo, măng, thal gun, ritak jaong (đậu huyết)…và một số loại trái cây trong tự nhiên.


Trang phục
Nét đặc trưng trong trang phục truyền thống, từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp – Mĩ, cả đàn ông và phụ nữ đều mặc áo chui đầu hoặc áo cài nút, thường áo cổ tròn. Ngoài ra, người phụ nữ còn đeo bông tai (lei nhji), búi tóc …. Áo dài của người phụ nữ là áo rộng hai bên hông (dwa kah bon), áo nam rộng xuống gần tới đầu gối, người phụ nữ và đàn ông trong palei thường mặc chăn thun màu đen hay màu chàm (khar thun juk) hay mặc khar plak, váy của người đàn ông cũng là khar bbak nhưng màu trắng. Trang phục của các chức sắc cũng khác nhau và giống như trang phục chức sắc thời nay.
Tôn giáo-tín ngưỡng
Ngoài đời sống vật chất được kể trên, bên cạnh đó nhu cầu của  bà con về mặt tâm linh cũng rất quan trọng. Do làng Plei Ram có hai tín đồ khác nhau, mỗi tín đồ cần phải có những nơi hay Thánh Đường riêng dể  sinh hoạt tôn giáo. Thời gian này riêng Thánh Đường Chăm Awal đã có hai lần thay đổi địa điểm (trước ở Ram Ngoak, sau chuyển qua Ram Kruk).
Về giáo dục
Từ năm 1975, một số gia đình đã nhận thức được việc học rất cần thiết cho tương lai con em mình, từ đó họ đã cho con cái đến trường học tập, với những gia đình làm ăn khấm khá hay gia đình có ông bà, cha mẹ làm công nhân viên chức họ cho con cái được học tới nơi tới chốn. Một số hộ khó khăn hơn thì cho con em học để biết chữ, vì vậy những người này chỉ dừng lại ở trình độ lớp 5-7.
Đến năm 1991, con em của đồng bào Chăm được khuyến khích mạnh mẽ cho việc học. Với số lượng người đến trường mỗi năm càng đông, bắt buộc phải mở rộng trường học để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao.
Thời kì này ở plei Ram, đã có một số người là sinh viên, học viên của các trường đại học, cao đẳng, trung học.


Trường tiểu học Văn Lâm


Về y tế
Mỗi khi bệnh tật, họ phải chạy lên bệnh viện Phước dân, cách plei Ram về phía Bắc khoảng 4km. Điều kiện chăm sóc y tế trong plei lúc bấy giờ còn rất nhiều thiếu thốn, lạc hậu. Nhiều em bé khi sinh ra đã bệnh tật, suy dinh dưỡng, số lượng trẻ sơ sinh chết cao.


3.2 Văn Lâm ngày nay
Kinh tế
Hiện nay, đời sống của người dân Văn Lâm đã có nhiều sự thay đổi to lớn. Về sản xuất, trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa, máy cày đã dần thay thế sức trâu bò, trong thu hoạch cũng đã có máy gặt thay thế sức người. Bên cạnh đó người dân cũng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như là dùng phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng các loại giống lúa, giống nho và một số loại cây ngắn ngày khác… để tăng năng suất cây trồng.
Mặc dù nguồn nước cung cấp cho sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân nhưng hệ thống tưới tiêu trong sản suất cũng được tu sửa và xây dựng thêm đập, hồ chứa nước để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất như: đập Nha Trinh, hồ Tân Giang. Theo số liệu thống kê năm 2007, ở thôn Văn Lâm có: Cây lúa: 6ha 9566 đạt 88,8% kế hoạch. Năng suất bình quân 50 tạ/ha, nho 6 ha, 0733, nâng suất bình quân 100 tạ/ha; đậu xanh 5 ha nâng suất bình quân đạt 5 tạ/ha. Hiện nay, nghề trồng nho vẫn còn duy trì nhiều nhất ở thôn Văn Lâm 4, bên cạnh đó họ còn trồng nhiều loại cây lương thực khác như đậu, ngô, mía… Nghề chính vẫn là  trồng lúa nước.
Trong chăn nuôi cho đến nay dê, cừu và bò là vật nuôi chính trong làng, nhờ vậy mà nhiều người dân đã trở nên giàu có từ việc bán những vật nuôi này. Trong làng có hộ đã sở hữu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con dê, cừu. Bên cạnh đó, người dân trong làng cũng nuôi nhiều con gia cầm như gà, vịt, ngỗng… để chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống trong nhà. Theo số liệu thống kê năm 2007, riêng ở thôn Văn Lâm 1 có 10 con trâu, 501 con bò, 1070 con dê, 1640 con cừu.
Nhờ sự quan tâm giúp đỡ sâu sắc của Đảng và Nhà nước và với sự cần cù lao động không ngại khó của người dân mà hiện nay đời sống của người dân Plei Ram đã được cải thiện rõ rệt. người dân không còn lo cho cái đói cái nghèo. Nhiều hộ bây giờ đã xây nhà lầu, sở hữu xe tay ga, xe con. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi. 90% dân số đều có điện thoại. Đặc biệt trong những năm gần đây do nhà nước lấy đất để quy hoạch làm khu công nghiệp và sản xuất muối nên nhiều hộ dân đã được đền bù đất đai từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Chính vì vậy diện tích đất đai để người dân canh tác, chăn nuôi và trồng trọt bị mất đi, nhiều trang trại dê cừu không còn nữa. Nhiều người dân đã không biết sử dụng số tiền này một cách hợp lý mà chỉ lo xây nhà cửa, mua xe và hưởng thụ. Đây là một điều đáng lo ngại trong xã hội Chăm plei Ram lúc này.
Về ngành nghề mới
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống chỉ có một vài gia đình, tập trung vào những người già. Hầu hết những bạn trẻ và kể cả những người phụ nữ trong làng không còn ai theo nghề này nữa. Bây giờ, nghề buôn bán cũng đang mở rộng ở Plei Ram. Ngoài việc buôn bán những mặt hàng thứ yếu cho sinh hoạt, bà con đã mở thêm các cửa hiệu tạp hóa xung quanh khu “Chợ Văn Lâm”. Hơn nữa, đi theo nhu cầu của cuộc sống hiện đại, có một số gia đình mở tiệm “điện thoại di động”, “tiệm Internet”, “sửa chữa xe máy”,“ tiệm chụp hình”,  “tiệm cắt tóc”…
Nhà ở
Ở Plei Ram, bên cạnh những ngôi nhà truyền thống Chăm, bây giờ đã mọc lên những ngôi nhà khang trang, kiên cố rộng lớn không khác gì so với nhà trong thành thị. Từ khi có đường lộ chạy qua làng, đất xung quanh khu vực này trở thành đất “mặt tiền”, những người sống ở đây đều có cuộc sống khá giả, với những ngôi nhà hai bên đường ghé vào làng là những ngôi nhà thật cao sang, lộng lẫy, chính họ đã góp phần làm đẹp cho làng Chăm Plei Ram.


Một ngôi nhà hiện đại nhưng vẫn có nét kiến trúc truyền thống Chăm


Tiềm năng về văn hóa cổ
Giữa Plei Ram có sông Kawei sông này gắn liền với người anh hùng Po Thak wa (một chức sắc Acar sinh ra ở Plei Ram). Trong palei có khu lịch sử Mbok Ppo thuộc khu vực Văn Lâm 2 (chưa được nghe ai kể, vì sao lại có tên gọi này?). về phía Nam có khu di tích Mbok Krah thuộc khu vực Văn Lâm 3 ( khu di tích này được nghe qua là khu vực mà người Chăm xưa nung và lấy gạch để xây Tháp), cho đến bây giờ hai khu vực này hầu như hiếm khi có người trong làng hiểu biết đầy đủ về nó, bởi thế người trong làng không quan tâm đến việc bảo vệ hai  khu di tích này, ngoại trừ một số các chức sắc trong làng mới giải thích được.
Cách plei Ram khoảng 800m về phía Bắc có “Bia kí cổ Cham Pa” mà người Chăm gọi là Taw blak (Đá nẻ), di tích này nằm giữa hai làng, đã có một nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp đọc và dịch ra tiếng Chăm Sancrit cổ trên bia đá này. Nhưng Taw blak nằm sát plei Bar Cion hơn. Cách Plei Ram khoảng 3,5km về phía Nam có Taw Ngar (Đá Chiêm).
Truyền thuyết về Đá Vỡ và Đá Chiêm mà tôi được nghe các cụ già kể lại là, ngày xưa có ông Jam Hrên (Khổng lồ) gánh đá đắp núi ngăn biển, đang gánh hai ngọn đá này  nửa chừng thì đòn gánh bị gãy làm hai. Ông nổi giận đã đạp lên Tau Ngar, bây giờ trên Tau Ngar vẫn còn “ vết chân của ông Jam Hren”, vì thế nên giữa Taw Blak và Taw Ngar rớt xuống ở hai nơi khác nhau.
Cách plei Ram khoảng 8km về phía Nam có di tích Cơk Ppo Nai (núi Chà Bang). Có lẽ khi nói đến núi Ppo Nai ai cũng biết câu chuyện Cơk Ppo Nai.
Cơk Po Nai gắn liền với lịch sử về Po Nai và ông vị tướng tài giỏi người Raglai. Po nai bị ép lấy vị tướng này. Trong khi PoNai với ông vị tướng trò chuyện say mê, Po Nai ngủ lúc nào không hay. Khi Ppo Nai thức tỉnh thì thấy ông vị tướng người Raglai nằm cạnh Ppo, Ppo thấy xấu hổ vì cho là “Mình người Bani, sao lại nằm ngay cạnh một ông Raglai mang khố”. Ppo Nai xấu hổ,  quyết định trốn lên rừng núi tu. Vì lâu rồi không thấy mặt Po Nai, ông vị tướng người Raglai rất nhớ Ppo Nai, ông đi tìm. Ông thấy Ppo Nai đang ở dưới hốc đá to lớn trên núi cao, ông dùng nhjam( mũi tên) nhắm thẳng và bắn vào núi đá mà Ppo Nai đang tu hành, mũi tên của ông đã làm đá chẻ ra làm hai. Biết  vậy Ppo Nai không thể yên tâm ở chỗ củ nữa, Ppo xuống ngồi gốc đá ở dưới. Mỗi khi lên Cơk Po Nai yeiu Yang người Chăm Plei Ram có một số kiêng cự: không được than mệt, kêu la, không mang những trái cây như dưa hấu, sắn,…
Cách plei Ram phía Tây có khu di tích Ppo Yang Jai thuộc khu vực Ram Ga. Hàng năm vào mùa khô người Chăm thường tới đây để làm lễ cầu mưa, về phía Tây có aia Kron (sông), aia kron gắn liền với truyền thuyết Ppo Yang Jai, Ppo đã cho xây đập ở đây. Nhưng những truyền thuyết ở đây đã không được kể ra, vì họ quan niệm nói ra cuộc sống làm ăn của mình sẽ không được may mắn. Hiện nay di tích này đã được xây tường bảo vệ xung quanh và chỉ mở cửa khi người dân làm lễ cung tế.
Có thể nói rằng ngày nay thế hệ trẻ của plei Ram rất ít được biết đến những di tích hay những câu chuyện cổ tích của ông bà để lại. Nền văn hóa cổ tồn tại hàng ngàn năm trời có nguy cơ bị mất đi trong tương lai nếu không được mọi tầng lớp nhân dân trong làng quan tâm đến việc bảo tồn nền văn hóa của dân tộc.  Đặc biệt là tầng lớp trí thức trong làng, họ phải là những người đi đầu trong công tác gìn giữ nền văn hóa cổ này.

Đời sống tinh thần
Trong sự phát triển chung của xã hội, đi đôi với vấn đề kinh tế, thì đời sống của người Chăm ở thôn Văn Lâm cũng được chính quyền quan tâm cùng với ý thức tích cực của bà con trong làng, vấn đề giáo dục, y tế, và những hình thức sinh hoạt giải trí của cộng đồng đã được quan tâm đúng mức.
Về giáo dục
Trường học có trường Tiểu học Plei Ram, và Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hàng năm, các con em trong gia đình đều được vận động đến trường 100%. Số lượng học sinh, sinh viên trong làng ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ đỗ đạt đại học ngày càng cao.
Y tế
Ngoài ra, để chăm sóc sức khỏe của bà con trong làng, y tế cũng được quan tâm và ngày càng nâng lên không ngừng. Trong làng có một trạm xá và một số tiệm thuốc tây phục vụ nhu cầu cấp thiết về vấn đề sức khỏe của người dân. Vì vậy, mức độ bệnh tật của người dân giảm đáng kể, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đi rõ rệt. Việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng đã được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và được bà con thực hiện một cách nghiêm túc.


Việc sinh hoạt giải trí
Trong thôn có sân vận động thể thao, mọi người tích cực tham gia các hoạt động thể dục – thể thao – văn nghệ do xã tổ chức. Hơn nữa, trong những ngày lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc, họ tổ chức rất lớn với quy mô hoành tráng. Thanh niên là những người tham gia tích cực nhất. Lễ hội là dịp để cho tất cả bà con trong làng có cơ hội để thể hiện ra những nét nổi bậc trong văn hóa truyền thống Chăm. Từ trang phục cho tới nhạc cụ dân tộc…
Bên cạnh đó, các hiện tượng tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội như : trẻ con bây giờ mê trò chơi điện tử, thanh niên thì bỏ học ở nhà không chịu đi làm chỉ lo ăn chơi trác tán, trộm cắp, lập băng nhóm đánh nhau gây mất trật tự trị an trong làng.
Về tôn giáo
Mặc dù có hai tôn giáo song song cùng tồn tại nhưng người Chăm ở đây sống với nhau rất hòa thuận, không có sự phân biệt giữa tôn  giáo này với tôn giáo kia.. Việc giao lưu qua lại của các chức sắc hai tôn giáo này là rất quan trọng. Như lễ khánh thành Thánh Đường Hồi giáo Islam có sự tham gia của các chức sắc Acar và ngược lại.
Hàng năm ở plei Ram cũng như các plei khác theo đạo Hồi đều có các  lễ hội lớn như: Lễ hội Ramuwan, lễ Ramadan, lễ Waha,… còn lễ Suh Yâng thì 3 năm có một lần, là dịp để bà con trong làng thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của họ qua trang phục, nhạc cụ truyền thống, và những món ăn, thức uống của dân tộc.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH Ở PALEI RAM

Trường cấp 2

vanlam12

Chợ Văn Lâm



cánh đồng hạn Văn Lâm